Hiện nay, nhiều người coi cây Phát lộc hay cây Phất dụ là một lựa chọn không thể thiếu khi chuẩn bị cây cảnh cho ngôi nhà của mình.Vậy loài cây này có điểm gì nổi bật?
Mục lục
Đặc điểm của cây Phát lộc
Cây phát lộc có vẻ ngoài khá độc đáo nên không khó để nhận ra, bạn có thể tham khảo những thông tin chung dưới đây.
- Tên: Phát lộc
- Tên gọi khác: Phất dụ, Trúc may mắn, cây Phát tài phát lộc…
- Họ: Măng tây (Asparagaceae)
- Tên khoa học: Dracaena Sanderiana
Cây Phát lộc
Cây phát lộc thuộc loại thân cỏ, có nguồn gốc từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.
Điểm nổi bật của phát lộc là thân cây hình thành từ nhiều đốt ngắn, đều và rỗng bên trong, thường có màu xanh hoặc xanh vàng. Ở mỗi đốt đều có mắt, các nhánh con được mọc ra từ các mắt này. Nhìn chung phân thân khá giống với cây tre nhưng đốt ngắn và mềm hơn.
Cây có lá màu xanh bóng, xen lẫn là các đường gân màu xanh đậm hoặc màu vàng.
Cây có dạng rễ chùm, khá xum xuê, bởi vậy mà nhiều người thường trồng cây phát lộc theo dạng thủy sinh để có thể khoe bộ rễ trắng muốt.
Nhiều người trồng cây phát lộc trong chậu thủy sinh
Về đặc tính, cây sinh trưởng khá nhanh, ưa bóng nên có thể trồng trong nhà, tất nhiên là cây trồng ngoài trời tự nhiên lúc nào cũng tốt hơn.
Đặc biệt, dù có thân đốt nhưng thân cây phát lộc lại khá mềm, bạn có thể dễ dàng uốn nắn theo nhiều hình dáng khác nhau để làm cảnh.
Cây Phát lộc có độc không?
Trong cây phát lộc có chứa thành phần canxi oxylate, đây là thành phần có thể gây ra các vấn đề về lưỡi, môi, mắt, hay họng. Nếu tiếp xúc hay ăn phải có thể gây ngứa miệng, đau họng, nặng thì rối loạn tiêu hóa, khó thở…
Do đó, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hay vật nuôi thì cần chú ý vị trí đặt cây để đảm bảo an toàn. Nếu tiếp xúc với nhựa cây thì cần nhanh chóng rửa sạch, còn không may ăn phải thì cần tới trung tâm y tế để thăm khám ngay.
Công dụng của cây Phát lộc
Với màu xanh bắt mắt, thân đẹp, hình dáng đa dạng, không khó hiểu khi cây phát lộc được trồng làm cảnh ở nhiều khu vực.
Bạn có thể trồng cây phát lộc trong các tiểu cảnh, trồng dọc lối đi hay bờ tường. Nếu trồng trong chậu, bạn có thể đặt chậu ở nhiều nơi như bệ cửa sổ, bàn làm việc, bàn tiếp khách… các chậu to có thể đặt ở giếng trời, tiền sảnh, hành lang.
Dù đặt ở đâu, cây phát lộc cũng mang tới sự tươi mới, làm sinh động cảnh quan xung quanh lên rất nhiều.
Cây phát lộc có thể trồng cảnh ở nhiều vị trí
Không chỉ vậy, theo nhiều nghiên cứu thì cây phát lộc còn có khả năng loại bỏ nhiều loại độc tố trong không khí như xylen, ethylbenzene, benzene… từ đó giúp bạn có một không gian sống trong lành.
Ngoài làm cảnh, nhiều người còn dùng những chậu cây phát lộc nhỏ như một món quà tặng ý nghĩa trong các dịp như sinh nhật, tân gia, khai trương hay lễ tết…
Ý nghĩa phong thủy của cây Phát lộc
Là loài cây có thể sinh sống trong nhiều điều kiện thời tiết, lại có dáng đứng hiên ngang, cây phát lộc tượng trưng cho sự vững chắc, bình an, mang lại vượng khí, năng lượng sống và may mắn cho người trồng.
Trồng cây phát lộc cũng giúp cho gia chủ và người thân ổn định tinh thần, giải quyết các vấn đề về tâm lý.
Là một cây hội tụ đầy đủ các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, cây phát lộc được xem là mang lại nguồn năng lượng phong thủy phong phú.
Chỉ riêng số lượng cây được trồng trong chậu cũng mang ý nghĩa khác nhau, ví dụ như:
- 2 cây: mang lại sự ổn định, bền vững trong tình yêu và hôn nhân.
- 3 cây: giúp cải thiện tinh thần, cho bạn và gia đình luôn cảm thấy hạnh phúc.
- 5 cây: mang tới sức khoẻ dồi dào, tượng trưng cho sự trường thọ.
- 8 cây: thích hợp cho những người đang tập trung kinh doanh, giúp công việc thuận lợi, tiền bạc dư giả.
- 9 cây: tượng trưng cho sự may mắn, vượng khí, mang về tài lộc dồi dào.
Số lượng cây trong chậu mang ý nghĩa khác nhau
Tùy vào mong muốn mà bạn có thể lựa chọn số lượng cây trong chậu khác nhau nhé.
Trồng cây phát lộc trong nhà có tốt không?
Qua những thông tin phía trên thì chắc hẳn bạn cũng biết là hoàn toàn có thể trồng cây phát lộc trong nhà rồi.
Để gia tăng hiệu quả trong việc mang lại vượng khí, bạn nên đặt chậu phát lộc ở phía Đông hoặc phía Bắc căn phòng, như vậy sẽ giúp tinh thần, sức khỏe và may mắn của bạn gia tăng.
Nếu muốn bổ sung tài lộc, tiền bạc thì nên đặt chậu ở góc Đông Nam của phòng nhé.
Cách trồng cây Phát lộc
Cách trồng cây Phát lộc không hề khó, nếu bạn chưa có cây giống thì có thể mua một chậu nhỏ ở các đại lý cây cảnh, giá cũng không cao lắm. Còn nếu đã có cây lớn, bạn có thể dễ dàng nhân giống bằng cách giâm cành.
Đầu tiên, bạn chọn một cành đã mọc dài, dùng dao sắc loại bỏ các lá ở sát gốc, sau đó cắt cành ở vị trí gần sát gốc cành.
Ngâm cành trong nước có pha dung dịch kích rễ, khi cành bắt đầu ra rễ thì lấy ra đem trồng vào đất hoặc bình thủy sinh, cành sẽ phát triển thành cây mới.
Cách trồng cây phát lộc trong đất
Đất để trồng cây phát lộc không cần quá màu mỡ, chỉ cần đảm bảo độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Bạn nên trộn ít cát, sỏi nhỏ, than bùn, xơ dừa và phân hữu cơ để đất đạt đổ chuẩn tốt nhất.
Nếu trồng trông chậu thì cần chọn chậu có kích thước lớn hơn chu vi cây khoảng 5cm, chậu phải có lỗ thoát nước đầy đủ.
Sau khi trồng cành cây xuống đất, bạn nén nhẹ rồi tưới nước thường xuyên để duy trì độ ẩm cho đất.
Trồng cây trong đất
Cách trồng cây phát lộc trong nước
Với lợi thế bỗ rễ xum xuê và trắng đẹp, nhiều người chọn cách trồng cây phát lộc thủy sinh. Cách trồng cũng đơn giản hơn khi bạn không phải chuẩn bị đất.
Đầu tiên, bạn chuẩn bị chậu thủy tinh, đổ nước vào đủ cao để ngập bộ rễ của cây, tốt nhất là từ 3 – 8cm. Pha thêm ít phân bón dạng dung dịch tan trong nước và dung dịch kích rễ.
Cho cây vào chậu, dùng ít sỏi rải phía đáy chậu và chèn lên để cố định vị trí cây. Nếu trồng nhiều cây thì nên dùng dây để cố định các cây với nhau.
Ưu điểm là bạn không cần tưới nước, chỉ cần thay nước mỗi 1 hoặc 2 tuần một lần là cây sẽ sinh trưởng tốt.
Trồng cây thủy sinh
Cách chăm sóc cây Phát lộc
Không chỉ có cách trồng đơn giản, cách chăm sóc cây phát lộc cũng không có gì quá khó khăn. Bạn có thể tham khảo một vài kinh nghiệm dưới đây.
- Tưới nước: đừng tưới quá nhiều bởi cây phát lộc không sống được khi rễ bị úng. Tốt nhất là chỉ tưới khi bạn nhận thấy đất khô. Thường thì khoảng 1 lần mỗi tuần, nếu thời tiết nắng nóng thì 2 lần mỗi tuần. Thi thoảng, thay vì tưới nước, bạn có thể dùng bình xịt nước lên lá cây để cấp ẩm là đủ.
- Dinh dưỡng: phát lộc cũng không cần quá nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng. Bạn chỉ cần bón phân cho cây mỗi 2 tháng 1 lần. Khi bón bạn nên sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng phân bón tổng hợp nhé.
- Ánh sáng: phát lộc là loại cây ưa mát, bạn nên đặt cây ở những nơi thoáng mát và có ánh sáng gián tiếp. Tránh đặt cây ở nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thay vào đó, mỗi tuần bạn mang cây ra nắng sớm khoảng 1 – 2 tiếng để cây quang hợp là đủ.
- Nhiệt độ: là loài cây ưa ấm ấp, nhiệt độ phù hợp nhất để cây phát lộc phát triển là từ 18 – 32 độ C. Nếu trồng cây trong văn phòng, bạn không nên bật điều hòa ở nhiệt độ thấp quá lâu.
- Tạo dáng: với lợi thế là thân cây mềm dẻo, bạn có thể dễ dàng uốn nắn cây phát lộc theo các hình dáng mong muốn. Để việc tạo dáng dễ dàng, bạn cần uốn khi cành đang còn non, dùng dây thép quấn quanh cành và uốn theo ý muốn, khi cây cứng cáp thì có thể tháo thép ra.
- Phòng trừ sâu bệnh: trong quá trình chăm sóc, bạn cần thường xuyên cắt tỉa để cây được gọn gàng. Cùng với đó là chú ý quan sát để loại bỏ cành lá khô. Nếu phát hiện sâu bệnh cần mua thuốc về phun để loại bỏ. Thấy lá cây héo úa, ngả vàng thì cần bổ sung dưỡng chất cho cây vì có thể cây đang thiếu dinh dưỡng.
Chăm sóc cây phát lộc không hề khó
Cách chăm sóc cây phát lộc trong nước
Cách chăm sóc cây phát lộc thủy sinh có phần đơn giản hơn rất nhiều. Các yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ tương tự như trồng cây trên đất.
Riêng về tưới nước thì bạn không cần thực hiện, chỉ cần thay nước mỗi 1 – 2 tuần. Khi thay nước bạn nên tranh thủ pha luôn phân bón dạng dung dịch vào nước để tăng dưỡng chất cho cây luôn.
Lượng nước trong chậu luôn cần đảm bảo ngập hết bộ rễ. Nước thay cho cây nên là nước máy đã để lắng 1 ngày, như vậy sẽ đảm bảo nước nuôi cây luôn sạch.
Trên đây là những thông tin mà bạn cần biết về cây Phát lộc nếu đang có nhu cầu trồng cây này để làm cảnh. Hy vọng qua đây có thể giúp bạn trồng và chăm sóc cây hiệu quả hơn, cho ra những chậu cây đẹp mắt.