Cây duối là loài cây quen thuộc đối với người Việt, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như trồng lấy bóng mát, làm cảnh và tận dụng để làm thuốc.Nhiều công dụng hữu ích như vậy, nhưng không phải ai cũng nắm rõ về loài cây này.
Mục lục
Đặc điểm của cây duối
Để hiểu rõ hơn về đặc điểm và đặc tính sống của cây duối, hãy tham khảo những thông tin dưới đây.
- Tên: cây Duối
- Tên gọi khác: Cây dúi, cây duối nhám, cây duối dai
- Họ: Dâu tằm (Moraceae)
- Tên khoa học: Streblus asper
Cây Duối
Là loài cây thân gỗ có nguồn gốc từ các khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc, cây duối có kích thước trung bình, cao từ 4 – 8m ngoài tự nhiên, nếu trồng cảnh thì sẽ được cắt tỉa để giới hạn kích thước.
Rễ cây là rễ cọc, to và ăn sâu vào đất, nhờ đó giúp cây sống tốt trong nhiều điều kiện khắc nghiệt.
Thân và cành của cây duối sần sùi, khá khúc khuỷu và chằng chịt, cũng nhờ đặc điểm này mà nhiều người tạo dáng thành bonsai rất đẹp mắt, tăng giá trị.
Lá cây có hình trứng, màu xanh thẫm, rộng khoảng 15 – 35mm và dài từ 2 – 7cm. Bề mặt lá khá nhám, mép có răng cưa nhỏ.
Là loài đơn tính, cây duối chỉ ra hoa đực hoặc cái riêng biệt, hoa đực mọc tập trung ở các đầu cuống, cành ngắn, còn hoa cái thì mọc lẻ, riêng trên từng cuống.
Quả duối có dạng căng mọng, đường kính chỉ khoảng 1cm, khi chín có màu vàng nhạt.
Quả duối có màu vàng, khá nhỏ
Về đặc tính sống, cây duối sinh trưởng chậm, sống lâu năm, ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu được ngập úng, sống được trên nhiều loại đất khác nhau. Nhờ sức sống tốt mà quá trình trồng và chăm sóc cây cũng khá đơn giản.
Tác dụng của cây duối
Nếu được trồng ngoài đất, cây cuối sẽ phát triển cao lớn, cành lá um tùm, nhờ vậy mà nhiều người thường trồng cây duối ở vườn nhà, hàng rào để làm bóng mát.
Những người chơi cây cảnh cũng thường trồng cây duối trong chậu, sau đó uốn nắn, giới hạn kích thước để tạo ra những thế bonsai đẹp, mang thẫm mỹ và tăng giá trị cho cây.
Duối thường được tạo dáng làm bonsai
Gỗ cây duối khá chắc, ít sâu mọt, từ xưa đã được tận dụng để làm các dụng cụ, đồ nội thất trong nhà.
Trên hết, các bộ phận của cây duối đều có các thành phần có thể chiết xuất để trị nhiều loại bệnh. Dưới đây là một vài tác dụng chữa bệnh chính:
Vỏ cây duối có thể hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lị bằng cách sắc nước uống.
Lá duối có thể dùng để trị các bệnh như bạch đới khí hư, khó tiểu, viêm sưng đường tiểu, ngừa phù thúng, kiết lỵ, trị mụn nhọt, lở loét.
Hạt duối có thể chế biến để trị tiêu chảy, chứng chảy máu cam hay bệnh bạch ban.
Rễ cây duối cũng có thể sử dụng để an thần, chống động kinh, hạ sốt, giảm đau, giảm viêm, chống kiết lỵ hiệu quả.
Mủ cây duối cũng có khả năng sát trùng, có thể sử dụng để trị đau gót, nứt nẻ tay chân.
Rất nhiều công dụng hữu ích phải không nào, trồng một cây duối trong nhà sẽ rất có ích trong các trường hợp đặc biệt.
Lưu ý khi sử dụng cây duối
Dù có nhiều tác dụng hữu ích và được đánh giá là khá an toàn, bạn vẫn cần chú ý một vài yếu tố khi sử dụng cây duối để chữa bệnh.
Với một số người, cây duối có thể gây dị ứng, gây phát ban, ngứa da, tiêu chảy, do đó bạn cần nắm rõ tình trạng bệnh của mình, thử trước với liều lượng nhỏ.
Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già thì cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Ý nghĩa phong thủy của cây duối
Cây duối được yêu thích không chỉ vỉ tính thẩm mỹ mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa phong thủy tốt đẹp.
Theo quan niệm dân gian, cây duối có khả năng trừ tà, mang lại vượng khí cho gia chủ. Người trồng cây duối trong nhà sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
Từ xưa, cây duối đã được các vua chúa yêu thích, được trồng nhiều trong các di chỉ cổ, cung điện…
Cây duối mang ý nghĩa xua đuổi tà khí
Cây duối cũng rất hợp phong thủy, bạn có thể trồng cây ở bất cứ đâu, chỉ cần không bất tiện, cản trở lối đi là được. Nếu trồng trong chậu đặt trong nhà, bạn nên đặt cây duối ở phòng khách.
Cách trồng và chăm sóc cây duối
Trồng cây
Cây duối có thể sinh sống tốt trên nhiều loại đất nên việc chuẩn bị đất trồng cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần bổ sung thêm sơ dừa, phân chuồng để tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng, giúp cây con phát triển tốt.
Bạn có thể nhân giống cây duối bằng gieo hạt và chiết cành, trong đó chiết cành được lựa chọn nhiều hơn vì cây sinh trưởng nhanh.
Nhân giống cây duối bằng phương pháp chiết cành
Cách thực hiện không khác gì các loại cây khác. Bạn chọn cành không quá già nhưng to khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh. Khoanh vỏ, chùi cho hết mủ chảy ra sau đó đắp bầu đất vào cùng vỏ đã khoanh.
Tưới 1 ít nước, sau một thời gian là cành sẽ bén rễ, bạn cắt cành và trồng xuống đất đã chuẩn bị từ trước. Tiếp tục chăm sóc là cành sẽ phát triển thành một cây mới.
Chăm sóc cây
Như đã nói ở trên, là cây có sức sống tốt, phù hợp với điều kiện nhiệt đới ở Việt Nam nên quá trình chăm sóc cây không có gì khó.
- Tưới nước: là cây ưa ẩm và chịu úng tốt, bạn nên tưới nước thường xuyên cho cây duối. Tốt nhất là tưới hàng ngày, khi tưới không cần quá nhiều, chỉ cần đủ ẩm đất. Không để cây bị khô hạn lâu ngày bởi cây không chịu được hạn gắt.
- Dinh dưỡng: định kỳ 3 – 4 tháng bạn bón phân cho cây một lần. Nên bón phân hữu cơ thay vì phân hóa học. Khi bón nhớ rải xa gốc cây để tránh phân sót gây cháy cây.
- Ánh sáng: cây ưa sáng và có thể chịu bóng, bạn có thể đặt cây ở bất cứ đâu, nhưng tốt nhất là nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng. Khi cây còn nhỏ thì nên che chắn mỗi khi nắng quá gắt.
- Cắt tỉa: nếu trồng bonsai, thường xuyên kiểm tra để loại bỏ cành lá hư thối. Vào mùa cây thay lá, hãy tận dụng để uốn cây theo ý muốn của mình.
- Phòng trừ sâu bệnh: cây duối ít khi bị sâu bệnh, bạn chỉ cần thường xuyên quan sát, nếu thấy sâu hay rầy bám lá thì mua thuốc về phun là được.
Nên uống nắn cây vào mùa lá rụng
Lưu ý: nếu trồng bonsai, các bước chăm sóc bạn nên giảm đi một bậc, bởi chăm sóc quá tốt sẽ khiến cây sinh trưởng nhanh, làm bể dáng của cây.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm và đặc tính của cây duối. Qua những thông tin này, chắc hẳn bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự mình trồng và chăm sóc một cây.