Ở thời điểm khoảng 2 – 3 tuần sau khi trồng, cây dưa leo bắt đầu phát triển thân lá và các tua cuốn, lúc này bắt đầu tiến hành làm giàn cho cây.
Tùy vào diện tích trồng và nhu cầu mà bạn có thể chọn kiểu giàn chữ A hoặc giàn đứng hay giàn chữ I. Điều quan trọng là cọc và giàn phải đảm bảo chắc chắn giúp cây có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Mục lục
Chuẩn bị vật dụng làm giàn
- Cọc giàn: Chúng ta căn cứ vào loại cây trồng, diện tích và vị trí để chuẩn bị vật dụng làm cọc giàn cho phù hợp và chắc chắn. Đối với một số loại cây leo có sức nặng như bầu, bí, mướp, bạn nên dùng cột bê tông, sắt hoặc gỗ to để làm cọc cho chắc chắn. Với các loại leo như dưa leo, các loại đậu, mướp đắng, bạn có thể dùng các sào tre, cọc gỗ chắc là được, không nhất thiết phải dùng cọc bê tông. Lưu ý thêm đối với giàn leo cho các loại bầu, bí, dưa, mướp, nếu giàn càng cao thì cây càng ra nhiều quả nên bạn chọn các cọc cao tầm 1,5 – 2,5 m là hợp lý.
- Lưới giàn: Để làm lưới cho giàn, bạn có thể mua các dây lưới, dây cước để làm giàn, hoặc có thể dùng các sào tre để tạo lưới.
- Một số vật dụng khác: kìm, dây thép hoặc dây cước để buộc giàn.
Top 3 cách làm giàn dưa chuột
Một chú ý vô cùng quan trọng trong việc làm giàn, đó là cần phải làm giàn cố định và chắc chắn, cây có thể leo bám tốt mà không bị đổ dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa gió, hay bão. Giàn càng vững chắc thì gốc cây càng cố định, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn. Tùy vào nơi trồng cây mà bạn nên lựa loại cây cũng như làm giàn phù hợp. Nếu trồng cây tại vườn, bạn có thể làm giàn đứng song song nhau. Khi trồng cây tại sân nhà hoặc trên sân thượng, bạn có thể tận dụng lan can, hay vách tường để làm giàn cho dễ dàng.
Có rất nhiều cách làm giàn leo, mỗi loại kiểu sẽ có những ưu điểm khác nhau. Dưới đây, NNO sẽ trình bày cách làm hai loại giàn phổ biến nhất để các bạn tham khảo.
1. Cách làm giàn dưa chuột hình chữ A
- Bước 1: Dùng cọc tre, gỗ, chắc chắn cắm cọc xuống đất, tạo khung sườn cho giàn theo hình chữ A. Sau đó, dùng một thanh tre, gỗ dài, để đặt lên trên để liên kết các khung sườn với nhau. Dùng dây kẽm để buộc chặt các mối nối, giúp giàn vững chắc hơn.
- Bước 2: Sau khi đã buộc cố định bộ khung giàn, chúng ta tiếp tục tới căng lưới cho giàn leo. Dùng các tấm lưới vắt lên trên xà ngang bên khung sườn rồi kéo căng, trải dàn đều nhau. Sau đó, dùng dây kẽm hoặc dây cước để buộc cố định lại cho giàn.
2. Cách làm giàn dưa chuột kiểu giàn đứng
- Bước 1: Khác với kiểu giàn chữ A, để làm giàn kiểu đứng, bạn cắm các cọc gỗ, tre hoặc bê tong song song với nhau sao cho khoảng cách giữa các cọc từ 2 – 3m.
- Bước 2: Sau đó, giăng dây thép hoặc dây cước chắc chắn vào nóc trên các cọc và phía dưới mép cọc để tạo khung sườn cho giàn.
- Bước 3: Sau khi kiểm tra khung giàn thực sự chắc chắn, bạn tiến hành giăng lưới cho giàn leo, dùng dây kẽm hoặc cước buộc các góc lưới và dây chằng liên kết trên và dưới cột. Cột cố định dây luồn biên vào dây chằng liên kết trên, các mối cột cách nhau 0,5m.
- Bước 4: Để hoàn thiện giàn, dùng tấm lưới làm giàn dây leo lớn trải căng ra như bạt che nắng để phủ nóc cho giàn leo. Với cách làm như vậy, cây trồng sẽ có nhiều chỗ để leo hơn, cho năng suất cao hơn. Trong trường hợp bạn không muốn che phủ nóc thì bạn có thể bỏ qua bước này là đã làm xong giàn đứng cho cây leo.
Trong quá trình làm giàn leo kiểu chữ A, hay kiểu đứng, nếu bạn không muốn dùng lưới cước để căng giàn thì bạn có thể sử dụng các sào tre để tạo lưới cho giàn. Bạn xếp đan các sào tre, tạo ô vuông như lưới cước, với khoảng cách các ô vuông là 15×15 cm, hoặc 20 – 20 cm tùy theo loại cây bạn trồng, rồi dùng dây kẽm buộc cố định các mối liên kết để giúp giàn chắc chắn hơn.
3. Cách làm giàn dưa chuột nghiêng dựa vào tường
Nếu trồng cây trong chậu hoặc trong thùng xốp trên sân thượng, bên hiên nhà. Thì có thể làm giàn nghiêng tựa gần vào vách tường. Hoặc lan can nhà rồi giăng lưới làm giàn dây leo.
Các kiểu trên áp dụng cho cách làm giàn dưa chuột, bầu bí mướp,vv…
Một số lưu ý khi trồng dưa chuột
- Hiện nay trên thị thường có rất nhiều giống dưa leo, dưa chuột khác nhau, phổ biến nhất vẫn là giống dưa chuột leo giàn, ngoài ra còn có những loại giống dưa chuột khác như dưa leo xanh, dưa chuột trắng, dưa chuột gai, dưa leo Thái,…. Dưa chuột có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên, dưa chuột là loại cây ưa ẩm nên thường sinh trưởng và cho ra năng suất cao vào mùa mưa hơn mùa khô.
- Loại cây trồng này có thể được trồng ở nhiều loại đất, thích hợp nhất vẫn là đất pha cát, nhiều mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt. Đất thích hợp có pH = 6,0 – 6,8.
- Dưa chuột thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp cho dưa tăng trưởng là 30°C và nhiệt độ ban đêm 24 – 26°C. Cây được cung cấp đủ ánh sáng mặt trời sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, cho quả lớn và chất lượng.
- Cây dưa leo phát triển nhanh và không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Chỉ cần tưới nước một ngày hai lần vào buổi sáng và chiều. Cây dưa leo cần cung cấp nhiều nước và độ ẩm nhưng lại không chịu được úng vì vậy cần chú ý ở khâu làm đất, hạn chế tối đa việc đất bị ngập nước.
- Nên trồng cây dưa leo vào buổi sáng hay buổi chiều mát khi nắng đã tắt. Khi trồng cây con xong nên mang vào nơi râm mát hoặc che phủ để tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây từ 1 – 2 ngày để cây con hồi sức.
- Khoảng 30 – 50 ngày khi trồng thì dưa leo bắt đầu ra hoa kết trái, các nách lá bắt đầu đâm hoa đực, hoa cái và nhánh. Thời điểm này rất nhạy cảm và cần biết cách chăm sóc hợp lý để cây ra quả ngon và nhiều.
Hy vọng những cách làm giàn dưa chuột trên sẽ giúp ích cho bạn. Tùy vào điều kiện và nhu cầu, bạn nên chọn giàn phù hợp cho mình.